Viêm gan A (Hepatitis A) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính tại gan, gây ra bởi virus viêm gan A.
Bệnh viêm gan A là một bệnh dễ lây nhưng khi điều trị có thể hồi phục hoàn toàn.
Tại Việt Nam, bệnh lưu hành rải rác, tập trung ở một số tỉnh khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là nơi có điều kiện vệ sinh kém.
Nơi chứa mầm bệnh
Vi rút viêm gan A có thể tồn tại trong thức ăn, nước uống, bể bơi, đồ dùng gia đình, vật dụng sinh hoạt cá nhân, trong môi trường đất, nước…
Ở người nhiễm bệnh, vi rút viêm gan A được tìm thấy trong nước bọt, nước tiểu, nhưng nhiều nhất vẫn là trong phân người có bệnh.
Nguyên nhân
Gan nằm ở vùng bụng bên phải, ngay dưới xương sườn. gan thực hiện hơn 500 chức năng sống. Bao gồm xử lý hầu hết các chất dinh dưỡng từ ruột, đào thải thuốc, rượu và các chất có hại khác ra khỏi máu và tạo mật – dịch màu xanh lục chứa trong túi mật để giúp tiêu hóa mỡ. Gan cũng sản sinh cholesterol, các yếu tố đông máu và một số protein khác.
Vì tính chất phức tạp và sự tiếp xúc của gan với rất nhiều chất độc, nên gan rất dễ bị bệnh. Nhưng gan có khả năng tái sinh đáng kinh ngạc – nó có thể tự lành bệnh bằng cách thay thế hoặc sửa chữa các tế bào tổn thương. Nó cũng có thể tạo ra tế bào mới đảm nhiệm chức năng của các tế bào tổn hại vĩnh viễn hoặc cho đến khi tổn thương được khắc phục, gan vẫn dễ bị một số bệnh, bao gồm viêm gan virus.
Đường lây bệnh
Viêm gan A là một trong 6 chủng gây viêm gan virus hiện đã được xác định – các loại khác là B, C, D, E và G. Các chủng này khác nhau về đường lây truyền và mức độ nặng của bệnh.
Bệnh viêm gan A chủ yếu lây qua đường tiêu hóa (đường phân – miệng), hiếm khi lây qua đường máu vì có rất ít vi rút viêm gan A trong máu, cụ thể lây qua các đường chính sau:
– Ăn thức ăn, thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh.
– Uống nước bị nhiễm bệnh, bơi lội trong ao hồ, bể bơi bị nhiễm bệnh.
– Ăn chung thức ăn, sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân (vật dụng ăn uống, khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng, xô, chậu…) với người có bệnh.
Trên thực tế, bệnh lây lan mạnh nhất trước khi các triệu chứng xuất hiện
Lâm sàng
Có 5 kiểu biểu hiện lâm sàng khác nhau:
- Không có triệu chứng
- Có vàng da, tự giới hạn (tự hết)
- Vàng da tắc mật kéo dài hơn 10 tuần
- Tái phát có 2 hay nhiều đợt cấp xảy ra trong 2-3 tháng (10% bệnh nhân)
- Suy gan cấp – viêm gan tối cấp
Ủ bệnh: không triệu chứng, 2-4 tuần, phát hiện được siêu vi trong máu và phân
Khởi bệnh:
– Mệt mỏi
– Buồn nôn và nôn
– Đau bụng hoặc cảm giác khó chịu bụng, đặc biệt đau vùng gan ở dưới sườn phải.
– Chán ăn
– Sốt nhẹ
– Vàng da và mắt. Không phải tất cả các bệnh nhân viêm gan A đều bị vàng da. Triệu chứng này xảy ra khi gan không thể loại bỏ được bilirubin trong máu. Bilirubin sẽ tích luỹ và lắng đọng ở da gây vàng da.
– Đau cơ
– Ngứa
Triệu chứng kéo dài vài ngày đến 2 tuần. Hồi phục hoàn toàn lâm sàng 60% trong 2 tháng đến 100% trong 6 tháng. Nhìn chung, bệnh có tiên lượng tốt.
Độ nặng của bệnh tăng theo tuổi, < 2 tháng không có triệu chứng và vàng da xảy ra 20%, sau 5 tuổi 80% có triệu chứng.
Vàng da tắc mật có thể làm nặng thêm viêm gan A cấp ở những phụ nữ sử dụng estrogen (ngay cả thuốc ngừa thai liều thấp). Phụ nữ sau tuổi trung niên có nguy cơ bệnh nặng hơn, kể cả bệnh nhân có yếu tố thúc đẩy suy gan cấp.
Khoảng 1/3 bệnh nhân nhiễm bệnh sau 60 tuổi phải nhập viện.
Tỉ lệ suy gan cấp nhìn chung 1%. Ở vùng dịch, trẻ nhỏ có nguy cơ cao bị suy gan cấp, mặc dù biểu hiện nhiễm trùng của trẻ thường không rõ ràng.
Chẩn đoán
Xét nghiệm chẩn đoán viêm gan siêu vi A cấp là IgM antiHAV, phát hiện dương tính ở thời điểm có triệu chứng, có thể phát hiện ở nồng độ thấp 1 năm sau nhiễm trùng.
IgG anti HAV xuất hiện ở thời điểm có triệu chứng, tồn tại suốt đời. Anti HAV (IgG) là kháng thể bảo vệ chống tái nhiễm.
HAV RNA hiện chưa thực hiện rộng rãi và không cần thiết để chẩn đoán.
Biến chứng
Trong hầu hết các trường hợp viêm gan A, gan hồi phục hoàn toàn trong vòng 1-2 tháng mà không có tổn thương kéo dài. Hơn nữa, vi rút không tồn lưu trong cơ thể một khi bạn đã bình phục. Ở người già và người bị các bệnh khác như suy tim ứ huyết, tiểu đường và thiếu máu, thời gian hồi phục có thể kéo dài hơn và diễn biến bệnh có thể nặng hơn.
Điều trị – Phòng bệnh
Chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với viêm gan A, chủ yếu là điều trị triệu chứng.
Cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh:
– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và chế biến thức ăn. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nguồn nước. Xử lý tốt phân, chất thải của người bệnh, rác thải, nước thải.
– Thực hiện ăn chín, uống chín.
– Không dùng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân (vật dụng ăn uống, khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng, xô, chậu…) với người có bệnh.
Tiêm globulin miễn dịch hoặc vaccin viêm gan:
Globulin miễn dịch chỉ bảo vệ trong một thời gian ngắn trong khi vaccin viêm gan có thể bảo vệ tới 20 năm. Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đã chấp thuận vaccin viêm gan A đầu tiên từ giữa những năm 1990.
Những loại vaccin Havrix và Vaqta này chứa dạng HAV bất hoạt an toàn cho trẻ em trên 2 tuổi cũng như cho hầu hết người lớn kể cả những người bị tổn thương hệ miễn dịch. Trẻ em dưới 2 tuổi nếu có nguy cơ cũng nên tiêm globulin miễn dịch. Vaccin chỉ gây tác dụng phụ nhẹ, mặc dù phản ứng dị ứng đôi khi có thể xảy ra. Chú ý: Sau khi tiêm 4 tuần thì vaccine mới phát huy tác dụng. Ngoài ra, nên tiêm 1 mũi nhắc lại sau 6-12 tháng.
FDA cũng đã cấp phép cho một vaccin viêm gan khác là Twinrix vào tháng 5/2001. Twinrix dùng cho những người từ 18 tuổi trở lên, có khả năng bảo vệ chống lại cả Virus viêm gan A và B. Nghiên cứu đã cho thấy Twinrix có hiệu quả như các vaccin viêm gan A và B riêng rẽ. Tác dụng phụ thường nhẹ, bao gồm đau nhẹ nơi tiêm, đau đầu và mệt mỏi. Những triệu chứng này thường biến mất trong vòng 48 giờ.
Lưu ý: nếu đã nhiễm viêm gan A thì không cần phải tiêm chủng vì đã có kháng thể bảo vệ. Tuy nhiên, những kháng thể này không bảo vệ khỏi nhiễm các loại viêm gan khác.