Bệnh viêm đại tràng mạn tính là bệnh thường gặp, trong đó người cao tuổi có tỉ lệ mắc bệnh này khá cao. Viêm đại tràng mạn, nếu không được điều trị dứt điểm, dễ tái phát và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Bệnh viêm đại tràng là gì?
Đại tràng (ruột già) có độ dài khoảng 150cm, là đoạn cuối của ruột. Tuy nhiên, đại tràng vẫn có chức năng tiếp nhận cặn bã từ ruột non chuyển xuống; trước khi tống ra ngoài cơ thể và nước tiếp tục được tái hấp thu qua cơ chế chủ động. Bên cạnh đó, đại tràng còn hấp thu các chất còn sót lại như: glucoza, axít amin và các vitamin mà ruột non chưa hấp thu hết. Đặc biệt, phân ở đại tràng có hệ vi sinh vật rất phức tạp (hệ vi khuẩn chí); gồm cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại cùng các chất độc giải phóng ra như CO2; CH4, H2S…. Vì vậy, đại tràng rất dễ bị tổn thương và viêm nhiễm.
Nguyên nhân và dấu hiệu của viêm đại tràng mạn tính
Nguyên nhân của bệnh viêm đại tràng
Trước hết là do viêm đại tràng cấp bởi nhiễm khuẩn các vi khuẩn (E.coli gây tiêu chảy; Klebsiella…) hay các ký sinh vật (lỵ amíp…) qua ăn uống nhưng không được điều trị dứt điểm; dẫn tới hiện tượng kháng thuốc hoặc điều trị không đúng phác đồ gây loạn khuẩn. Người tuổi cao sức đề kháng càng ngày càng có xu hướng suy giảm; thêm vào đó dễ bị táo bón do uống ít nước (ngại uống sợ phải đi tiểu nhiều, hoặc quên); bởi ít vận động càng dễ gặp phải bệnh viêm đại tràng mạn.
Uống nhiều rượu, bia, ăn nhiều gia vị (ớt, hạt tiêu…). Hoặc do điều kiện kinh tế cho nên ăn uống không điều độ; không hợp vệ sinh là những yếu tố thuận lợi cho đại tràng bị viêm mạn tính.
Đại tràng bị viêm (cấp, mạn) sẽ làm cho niêm mạc, dưới niêm mạc bị viêm phù nề; hoặc có các vết xước, lâu dần sẽ loét, có ổ loét sâu, ở đáy có nhầy, mủ; máu tình trạng ngày một xấu đi nếu không chữa trị kịp thời… Hậu quả của viêm đại tràng mạn có thể làm cho người bệnh lo lắng. Bởi rối loạn tiêu hóa kéo dài, ăn không tiêu hoặc do kiêng khem kéo dài dẫn tới suy nhược. Đáng chú ý nhất là viêm đại tràng mạn; có thể dẫn tới u đại tràng, thậm chí u ác tính.
Biểu hiện của bệnh viêm đại tràng
Đau bụng là triệu chứng hay gặp nhất. Đau âm ỉ ở phần dưới rốn (bụng dưới, hạ vị) , có thể đau bụng dọc theo khung đại tràng. Sau khi ăn, đau bụng dễ xuất hiện, đôi khi đau, buồn đi ngoài, sau khi đại tiện, hết đau. Viêm đại tràng mạn, bụng nhiều hơi, đau, vì vậy, trung tiện nhiều và sau khi trung tiện, bụng đỡ đau hơn.
Nhiều trường hợp, ban đêm đau bụng nhiều hơn, nhất là lạnh hoặc ăn thức ăn lạ, chua, cay, tanh, nhiều dầu mỡ. Kèm theo đau bụng, trung tiện nhiều là rối loạn tiêu hóa (miệng đắng, chán ăn, ăn không tiêu kéo dài, phân nát, không thành khuôn, đi đại tiện nhiều lần khoảng 2 – 5 lần trong một ngày đêm), tuy vậy, đôi khi phân rắn gây táo bón. Bụng hơi trướng (nhiều hơi nên trung tiện nhiều), cảm giác căng tức, khó chịu.
Có thể chụp khung đại tràng có chuẩn bị (thụt tháo) với thuốc cản quang, nếu có điều kiện nên nội soi đại tràng. Trong trường hợp viêm đại tràng mạn tính nghi do dùng quá nhiều kháng sinh gây loạn khuẩn, cần xét nghiệm phân để đánh giá hệ vi khuẩn chí đường ruột, trên cơ sở đó bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp. Ngoài ra, có thể xác định nấm, lỵ amíp, vi khuẩn lao và tìm hồng cầu, bạch cầu trong phân.
Điều trị viêm đại tràng như thế nào?
Nguyên tắc điều trị
Khi nghi ngờ bị viêm đại tràng mạn tính cần đi khám bệnh để xác định nguyên nhân, trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ điều trị thích hợp. Người bệnh không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình và không tự mua thuốc để điều trị khi không có chuyên môn về y học
Nguyên tắc dự phòng
Khi mắc bệnh viêm đại tràng cấp, cần đi khám ngay và cần được điều trị dứt điểm theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh, không tự bỏ thuốc và không tự điều trị.
Để phòng bệnh, nên có chế độ vệ sinh ăn uống hằng ngày, ăn chín, uống chín, không ăn các loại thực phẩm chưa nấu chín (tiết canh, nem chạo, nem chua), không ăn thức ăn ôi thiu, không ăn các thức ăn chế biến từ thực phẩm nhiễm bệnh (thịt lợn bị bệnh tai xanh, thịt gà bị bệnh cúm…).
Không nên ăn các loại thức ăn có lượng dầu, mỡ quá cao, nhất là mỡ động vật. Cần hạn chế rượu, bia, thuốc lá, cà phê và các chất gia vị kích thích.
Không uống nước chưa đun sôi, không dùng nước đá không vô khuẩn, không ăn rau sống, gỏi và không ăn quá nhiều thức ăn lên men chua (dưa, cà…).
Cần uống đủ lượng nước mỗi ngày (khoảng 1, 5 – 2,0 lít) và những ngày không đau bụng, nên vận động cơ thể bằng các hình thức như đi bộ, tập thể dục buổi sáng, buổi tối trước khi đi ngủ. Người cao tuổi vận động khó khăn nên đi lại trong nhà và cần có công cụ hỗ trợ (nạng, xe đẩy…) hoặc có người nhà dìu, dắt.
Khi nghi ngờ bị viêm đại tràng mạn tính cần đến gặp bác sĩ nội khoa để xác định nguyên nhân chính xác và có hướng điều trị kịp thời.