Bệnh lao phổi là một bệnh truyền nhiễm. Nguyên nhân và cơ chế gây bệnh đã được biết rõ và ngày càng được nghiên cứu sâu. Lao phổi hay bắt đầu từ vùng đỉnh phổi và vùng dưới đòn (phân thùy đỉnh và phân thùy sau của thùy trên phổi). Cơ chế được giải thích là do cấu trúc về giải phẫu hệ mạch máu ở đây.

Vị trí của lao phổi trong bệnh học lao 

Lao phổi là thể bệnh gặp nhiều nhất trong bệnh học lao; chiếm khoảng 80% tổng số bệnh lao. Ở nước ta, hàng năm theo ước tính có 85 trường hợp lao phổi có vi khuẩn trong đờm bằng phương pháp nhuộm soi kính trực tiếp trên 100.000 dân. Lao phổi là nguồn lây vi khuẩn cho những người lành nhiều nhất. Đặc biệt là người bệnh có vi khuẩn bằng xét nghiệm đờm soi kính trực tiếp (AFB(+)). Đây là nguồn lây chủ yếu làm cho bệnh lao tồn tại ở mọi quốc gia qua nhiều thế kỷ. Vì vậy, phát hiện và điều trị khỏi cho những bệnh nhân này là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và là nhiệm vụ quan trọng của chương trình chống lao ở nước ta, cũng như nhiều nước trên thế giới.

Bệnh cảnh lâm sàng của lao phổi rất đa dạng và thường diễn biến mạn tính. Nếu được phát hiện sớm thì lao phổi điều trị sẽ có kết quả tốt. Nhưng nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh sẽ có nhiều biến chứng. Kết quả điều trị hạn chế; người bệnh có thể trở thành nguồn lây với chủng vi khuẩn lao kháng thuốc.

truekidz-nguyen-nhan-trieu-chung-va-dieu-tri-benh-lao-phoi

Nguyên nhân dẫn tới bệnh lao phổi

Bệnh lao phổi do nhiều nguyên nhân gây ra:

Nhiễm vi khuẩn Mycobacterim tuberculosis (còn có tên gọi khác là trực khuẩn Koch): Chính loại vi khuẩn này là nguyên nhân lây truyền từ người này sang người khác thông qua đường hấp; chứ không có tính di truyền như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm: Khói bụi, ẩm ướt; nhiều khí uế khiến cho vi khuẩn lao phát triển và gây bệnh.

Tiếp xúc với người mắc bệnh: Việc tiếp xúc với người mắc bệnh lao phổi, hoặc tiếp xúc với chất thải có chứa vi khuẩn lao như nước bọt, đờm, dãi,…

Ngoài ra, việc sử dụng thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn lao, vật nuôi nhiễm lao;… cũng là nguyên nhân gây bệnh lao ở phổi.

Các dấu hiệu điển hình thường gặp của bệnh lao phổi

Có rất nhiều dấu hiệu để nhận biết bệnh lao phổi. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được để phát hiện bệnh kịp thời. Vì vậy, đại đa số bệnh nhân mắc bệnh lao phổi đều không biết mình mắc bệnh cho đến khi bệnh diễn biến nặng. Dưới đây xin dẫn những dấu hiệu điển hình thường gặp để mọi người có thể đi khám sớm và được điều trị kịp thời.

– Ho:

Ho là triệu chứng của mọi bệnh phổi cấp và mạn tính. Có thể do nhiều nguyên nhân như viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, lao, ung thư phổi… Mọi bệnh nhân ho trên 3 tuần không phải do viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, ung thư phổi mà đã dùng thuốc kháng sinh không giảm ho phải nghĩ đến do lao phổi.

– Khạc ra đờm:

Đây là biểu hiện tăng xuất tiết do phổi phế quản bị kích thích hoặc do có tổn thương tại phổi phế quản. Khạc đờm cũng như ho có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra mà các nguyên nhân thông thường nhất là viêm nhiễm. Do vậy, nếu sau khi đã dùng thuốc kháng sinh, triệu chứng khạc đờm không giảm thì người bệnh có triệu chứng ho khạc trên 3 tuần phải nghĩ đến do lao phổi. Khạc đờm là những dấu hiệu hay gặp nhất trong các dấu hiệu quan trọng gợi ý nguyên nhân lao phổi.

– Ho ra máu:

Ho ra máu là triệu chứng có thể gặp ở 60% những người lao phổi, thể hiện có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp. Nguyên nhân gây ho ra máu rất nhiều từ các bệnh phổi – phế quản (viêm phổi, viêm phế quản, áp xe phổi, ung thư phổi, phế quản…) đến các bệnh ngoài đường hô hấp như tim mạch (suy tim, tăng huyết áp…), bệnh toàn thân (rối loạn đông máu, chảy máu, thiếu hụt vitamin C…).

– Đau ngực, khó thở:

Đau ngực là triệu chứng dễ nhận thấy khi ta bị bệnh lao phổi. Ho nhiều sẽ gây ra ức chế lên phế quản, gây ra tình trạng khó thở, đau ngực, nhất là khi phổi đang bị tổn thương thì khả năng trao đổi khí sẽ càng khó khăn hơn.

– Gầy, sụt cân:

Là triệu chứng thường gặp ở số đông người lao phổi. Những người bệnh gầy, sụt cân không rõ nguyên nhân, không phải do tiêu chảy, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS… nhưng có các triệu chứng hô hấp như đã nêu trên phải nghĩ ngay tới lao phổi.

– Sốt:

Là triệu chứng hay gặp ở người lao phổi. Sốt có thể ở nhiều dạng: sốt cao, sốt thất thường nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ hay gai lạnh về chiều. Những người có triệu chứng sốt như trên cùng với các triệu chứng về hô hấp như ho, khạc đờm, ho ra máu… phải nghĩ tới do lao phổi.

– Ra mồ hôi:

Là triệu chứng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong lao phổi, ra mồ hôi là do rối loạn thần kinh thực vật mà người ta thường hay gọi là ra mồ hôi trộm, ở trẻ em triệu chứng này dễ nhận thấy nhất.

– Chán ăn, mệt mỏi:

Là dấu hiệu rất phổ biến, có thể do tác động tâm lý, tình trạng sức khỏe, căng thẳng, stress gây nên các ức chế khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, thiếu ngủ không muốn ăn uống. Nhiều người bỏ qua dấu hiệu quan trọng này.

Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị bệnh lao phổi

Những biến chứng của bệnh lao nếu không được điều trị?

Theo các bác sĩ bệnh viện Phổi Hà Nội, bệnh lao phổi có nhiều biến chứng. Biến chứng có thể xuất hiện như bệnh cảnh lâm sàng mở đầu. Nghĩa là có biến chứng rồi mới phát hiện ra bệnh; hoặc xảy ra trong quá trình tiến triển của bệnh. Các biến chứng hay gặp là:

– Ho ra máu: có thể ít, vừa hay nhiều. Ho ra máu sét đánh, do bệnh lao làm hoại tử thành của một động mạch, là biến chứng gây tử vong trong vòng vài phút.

– Tràn khí màng phổi: do vỡ một hang lao vào khoang màng phổi, là biến chứng nặng. Vi trùng lao từ hang lao nhiễm vào màng phổi và gây ra tràn mủ – tràn khí màng phổi. Điều trị khó khăn, vừa điều trị lao, vừa phải đặt ống dẫn lưu màng phổi.

– Tràn dịch màng phổi: do tiếp cận với một ổ lao phổi đang tiến triển

Biến chứng có thể xảy ra sau khi bệnh lao đã được chữa khỏi tạo thành các di chứng của bệnh lao phổi:

– Dãn phế quản: có triệu chứng ho đàm và ho ra máu. Không nên lầm lẫn là bệnh tái phát. Chỉ khi tìm thấy vi trùng lao mới là tái phát.

– Suy hô hấp mãn: khi có di chứng lan rộng làm phổi mất chức năng.

– Tràn khí màng phổi: do vỡ một bóng khí. Tràn khí này không đi kèm theo nhiễm trùng màng phổi.

– U nấm phổi: do vi nấm Aspergillus fumigatus sinh sôi trong một hang lao cũ trong phổi. Điều trị bằng phẫu thuật.

Điều trị bệnh lao phổi

Từ khi Streptomycin được đưa vào sử dụng điều trị bệnh lao, đến nay đã có hàng chục loại thuốc chống lao. Bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể bị tổn thương lao đều có thể được điều trị khỏi bằng thuốc chống lao.

Bệnh lao được điều trị nội khoa là chính. Điều trị ngoại khoa chỉ áp dụng trong một số trường hợp.

Bệnh lao thường để lại các di chứng. Bệnh càng kéo dài di chứng càng nặng nề; ảnh hưởng đến sức khoẻ và khả năng lao động của người bệnh. Vì vậy phát hiện và điều trị bệnh càng sớm càng tốt.

Vi khuẩn lao có tính kháng thuốc, có khả năng kháng lại với tất cả các thuốc chống lao. Các thuốc chống lao hiện nay đang dùng đã được phát minh từ lâu, thuốc mới nhất cũng được tìm ra cách đây hơn 30 năm (không kể các thuốc hiện nay đang nghiên cứu). Thêm vào đó và việc chẩn đoán và điều trị bệnh tuỳ tiện vì thế bệnh lao kháng thuốc ngày càng nhiều.

Loài người đang ra sức tìm tòi những thuốc chống lao mới và những phương pháp điều trị hữu hiệu hơn.

Điều trị bệnh lao nhằm những mục đích: khỏi bệnh, giảm tỷ lệ tử vong, giảm tỷ lệ kháng thuốc cũng như giảm sự lây truyền trong cộng đồng và cuối cùng là thực hiện ước mơ muôn đời của loài người là thanh toán bệnh lao.

Chia sẻ với:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *