1. Viêm mũi-họng
Đây là bệnh rất thường gặp ở cả người lớn và trẻ em khi trời lạnh. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là do virus. Nếu trẻ chảy nước mũi nhiều sẽ ít ho. Ngược lại, sẽ xảy ra một hiện tượng gọi là chảy mũi sau, nước mũi chảy xuống họng, gây ho kinh khủng. Trẻ đặc biệt hay ho khi nằm ngủ do khi đó dịch đã chảy đủ vào họng, kích thích gây ho.
Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nếu bệnh do virus thì không cần dùng kháng sinh. Thay vào đó, chỉ cần dùng các thuốc có tác dụng điều trị triệu chứng. Chẳng hạn, nhỏ mũi bằng dung dịch natri clorid 0,9%, sau đó làm sạch mũi bằng tăm bông hoặc giấy thấm quấn sâu kèn. Đối với trẻ lớn thì có thể dậy trẻ xỉ mũi và lau sạch mũi. Có thể sử dụng thuốc có các chế phẩm chống tắc mũi.
Để phòng bệnh cho trẻ vào mùa đông, cha mẹ cần lưu ý giữ ấm cho con, đặc biệt khi ra ngoài trời lạnh. Ảnh: Dương Ngọc. |
Nếu thấy trẻ ho quá nhiều có thể sử dụng thêm thuốc ho đông y an toàn hoặc các thuốc ho chế biến từ thảo dược như: hoa hồng hấp đường, chanh hoặc quất hấp mật ong, lá hẹ… Nếu sốt và đau họng thì uống pracetamol và nghỉ ngơi, uống nhiều nước.
Đặc biệt lưu ý nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu tan máu nhóm A, có thể biến chứng dẫn đến bệnh thấp khớp, tim, phổi… ở trẻ.
2. Viêm tiểu phế quản
Đây là bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là 3-6 tháng tuổi. Cha mẹ không nên chủ quan khi thấy trẻ có những dấu hiệu như ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao. Sau 3-5 ngày thì trẻ ho ngày một nhiều, xuất hiện thở khó, thở rít.
Nếu trẻ có dấu hiệu bệnh nhẹ, không có biến chứng, không có yếu tố nguy cơ thì có thể được chăm sóc tại nhà. Chú ý cho trẻ ăn uống đầy đủ, uống nhiều nước để tránh thiếu nước. Để giúp trẻ dễ thở và bú tốt hơn thì cần làm thông thoáng mũi cho bé, có thể bằng cách nhỏ một vài giọt nuớc muối sinh lý.
Khi trẻ có dấu hiệu nặng như khó thở, bú kém, tím tái, có biến chứng cần cho trẻ nhập viện để điều trị.
3. Tiêu chảy
Tiêu chảy cấp do rotavirus là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa đông, đặc biệt là trẻ từ 3 đến 24 tháng tuổi. Virus gây tiêu chảy có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường phân-miệng. Thông thường trẻ sẽ nôn trước, sau khoảng 1-2 ngày thì bắt đầu đi ngoài. Bé có thể ho, sốt nên nhiều một số cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng. Bệnh thường kéo dài 3-7 ngày.
Biến chứng nguy hiểm là mất nước, mất muối quá nhiều, dễ dẫn đến trụy mạch, thậm chí tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Vì thế, nếu chăm sóc ở nhà, cha mẹ nên cho trẻ uống dung dịch oresol theo đúng hướng dẫn ghi trên bao bì, không pha loãng hay đặc quá. Còn nếu thấy trẻ mệt quá, không ăn uống gì, không chơi, nằm li bì thì nên đưa bé đến bệnh viện để truyền dịch.
Ngoài ra, không nên kiêng khem quá mức trong việc ăn uống. Cần cho trẻ ăn những thức ăn dễ tiêu như cháo loãng, chuối tiêu, vẫn có thể uống sữa bình thường… Để phòng bệnh, tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vắcxin.
4. Quai bị
Diễn biến bệnh thường nhẹ, trẻ có thể hơi sốt, mệt mỏi, ho, sau đó sưng, đau một bên mang tai rồi đau cả hai bên. 5-7 ngày sau bệnh có thể tự hết nếu diễn biến thông thường.
Quai bị là một bệnh lành tính, tỷ lệ biến chứng không nhiều, chỉ là một phần một nghìn. Trẻ trai có thể bị viêm tinh hoàn, xuất hiện trong khoảng 7-10 ngày sau khi sưng tuyến mang tai. Nếu không được điều trị kịp thời tình trạng viêm nặng hơn, sẽ ảnh hưởng đến ống dẫn tinh, một trong nhiều nguyên nhân gây vô sinh. Ngoài ra trẻ cũng có thể bị viêm não, màng não, xảy ra vào ngày thứ 3-10 với các triệu chứng sốt cao, nhức đầu, ói mửa, đôi khi có co giật…
Nếu đang mắc bị quai bị mà trẻ có biểu hiện bất thường như: đau tinh hoàn, sờ rắn lại ở trẻ trai, đau bụng dưới ở bé gái hoặc thấy đau đầu, nôn… thì cần đến bệnh viện để kiểm tra sớm, tiến sĩ Dũng cho biết.
Bệnh do virus nên không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau… Có thể đắp ấm vùng tuyến mang tai nhằm giảm những cơn đau, chăm sóc răng miệng sạch sẽ, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu và nhiều chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Để phòng bệnh, điều cơ bản là chống lạnh (mũ, áo, khăn quàng cổ, tắm nước ấm…) và đeo khẩu trang chống bụi. Bố mẹ cần lưu ý giữ ấm cho con, đồng thời thay trang phục cho trẻ phù hợp với nhiệt độ môi trường (buổi sáng và tối mặc ấm, trưa nắng nên cởi bớt đồ), hạn chế cho bé ra ngoài trời lúc có sương, gió.
Thường xuyên làm thông thoáng đường thở, vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Ăn uống đủ chất để có năng lượng chống lạnh và súc miệng nước muối hằng ngày. Nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn thêm các loại trái cây, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng. Đồng thời, cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, thông thoáng khí.
Viatbao.vn