Bệnh tiêu chảy cấp là căn bệnh mà trẻ em rất dễ mắc. Bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em có hai loại. Một loại chỉ nôn ói và tiêu chảy kéo dài mà phần lớn do rotavirus gây nên. Một loại đi tiêu có dịch nhầy và máu, đó là bệnh kiết lị theo cách gọi của dân gian.
– Việc điều trị kiết lỵ cần đáp ứng các yêu cầu sau:
Đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay, nếu thấy có chất nhớt, máu hay mủ trong phân tiêu chảy của trẻ.
Điều trị càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng như mất nước. Trong trường hợp bị kiết lị nghiêm trọng, trẻ có thể được nhập viện và cho truyền dịch để đối phó lại tình trạng mất nước.
Điều trị Oresol là một kỹ thuật chăm sóc dễ dàng tại nhà để bù nước cho trẻ bị kiết lị.
Giữ vệ sinh kỹ lưỡng mỗi khi con bạn đi cầu.
Hạ sốt để tránh sốt cao có thể gây co giật nhất là ở các cháu nhỏ.
Bù nước và điều chỉnh rối loạn điện giải như: hạ na tri máu, hạ can xi máu, hạ kali mu, hạ đường huyết.
Dinh dưỡng đủ theo tuổi. Cần bổ sung thực phẩm nhiều chất đạm.
Về kháng sinh: sử dụng kháng sinh uống hay chích tùy mức độ nặng của bệnh (việc dùng thuốc cần theo chỉ định bác sĩ)
Không nên sử dụng các chất làm chậm nhu động ruột vì có nguy cơ làm bệnh kéo dài thêm.
Điều trị kiết lỵ nên tích cực ngay từ đầu để tránh biến chứng nặng (nhiễm trùng huyết, co giật do rối loạn điện giải hoặc do sốt cao); ngoài ra trẻ có thể bị suy dinh dưỡng hoặc chậm lên cân, suy nhược cơ thể…
Cách phòng ngừa
Luôn chú ý nguyên tắc “ăn chín, uống sôi” cho trẻ.
Nhắc nhở trẻ phải rửa sạch tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Nếu có điều kiện nên cho trẻ bú sữa mẹ đến 18 tháng hoặc 24 tháng tuổi.
Nếu trẻ bú sữa bình phải rửa sạch bình. Người pha sữa nên rửa tay trước khi pha sữa cho bé.
Khi chuẩn bị bữa ăn cho bé nên làm đúng cách và hợp vệ sinh.
Thức ăn cần đậy kỹ tránh ruồi nhặng, vệ sinh phân, rác, quản lý việc dùng phân trong nông nghiệp.
Ðặc biệt nơi sống tập thể và người phục vụ ăn uống, cấp dưỡng, nuôi dạy trẻ phải sạch sẽ.
Trước khi cho trẻ uống thuốc kháng sinh, hãy chắc chắn rằng con bạn đã ăn no.
Khi có người nhà bị bệnh phải kiểm tra những người thân còn lại trong gia đình để điều trị người lành mang bào nang.