2 tuổi, bé có thể làm được những gì? Hãy tham khảo bài viết dưới đây để giúp bé phát triển và học hỏi tốt hơn.
ảnh minh họa
Bé có thể làm gì ở mốc 2 tuổi?
Xã hội/ Cảm xúc
– Bắt chước người khác, đặc biệt là người lớn hoặc những bé lớn tuổi hơn.
– Vui thích khi ở cùng các bé khác.
– Thể hiện ngày càng rõ hơn tính độc lập.
– Xuất hiện các hành vi chống đối (làm những việc bạn bảo bé không được làm).
Ngôn ngữ/ Giao tiếp
– Chỉ tay vào vật hoặc bức tranh được gọi tên.
– Biết nói tên của người thân và các bộ phận cơ thể.
– Nói câu ngắn 2 đến 4 từ.
– Thực hiện được những chỉ dẫn đơn giản.
– Nhắc lại được một số từ trong đoạn hội thoại.
– Chỉ vào vật trong một quyển sách.
Nhận thức (học tập, suy nghĩ, giải quyết vấn đề)
– Tìm được vật bị giấu dưới hai hoặc ba lớp phủ.
– Bắt đầu biết sắp xếp, phân biệt các hình khối và màu sắc.
– Hoàn thiện câu và âm điệu quen thuộc của các bài thơ, quyển sách mà bé nghe.
– Xây hình tháp cao từ 4 khối hoặc nhiều hơn.
– Quen dùng một tay nhiều hơn tay còn lại.
– Thực hiện được chỉ dẫn kép, ví dụ “Nhặt sách lên và để lên bàn”.
– Nói được tên của hình ảnh trong sách như: con mèo. con chim, con chó…
Vận động
– Đứng bằng đầu ngón chân.
– Đá quả bóng.
– Bắt đầu biết chạy.
– Bước lên và xuống cầu thang có tay vịn.
– Chèo lên và xuống ghế, giường không cần hỗ trợ.
– Ném bóng lên cao.
– Vẽ hoặc bắt chước vẽ đường thẳng và hình tròn.
Bạn có thể làm gì để giúp bé phát triển trong giai đoạn này?
– Khuyến khích bé giúp những việc vặt trong nhà, ví dụ quét nhà, chuẩn bị đồ ăn. Khen bé làm được việc có ích.
– Ở độ tuổi này, bé vẫn chơi bên cạnh (chứ không phải là chơi cùng) với các bạn và chưa biết chia sẻ cùng các bạn. Nếu có trẻ cùng chơi, hãy đưa cho các bé thật nhiều đồ chơi. Luôn trông chừng và can thiệp khi cần thiết.
– Khen ngợi khi bé nghe lời. Tỏ ra không quá nặng nề hoặc nhắc đi nhắc lại hành vi phản kháng của bé. Dành nhiều thời gian khen ngợi hành vi tốt hơn là trừng phạt hành vi xấu.
– Dạy bé phân biệt và gọi tên các bộ phận cơ thể, các con vật, và các vật dụng thông thường.
– Khi bé phát âm sai, bạn nên nói lặp lại chính xác cho bé nghe, ví dụ: “Đó là quả bóng”.
– Khuyến khích bé nói thay vì chỉ tay. Nếu bé không thể nói cả từ (”mèo”), hãy nói cho bé nghe âm đầu tiên (”m”). Dần dần bạn khuyến khích bé nói ”con mèo”.
– Giấu đồ chơi quanh phòng để bé đi tìm.
– Giúp bé phân biệt hình khối, màu sắc hoặc con vât.
– Khuyến khích bé chơi với các hình khối. Cùng bé xếp các tòa nhà rồi làm đổ và xếp lại.
– Cho bé sử dụng bút sáp màu và giấy. Treo tranh bé vẽ lên tường hoặc tủ lạnh.
– Đề nghị bé giúp bạn mở cửa, mở ngăn kéo hoặc lật trang sách, tạp chí.
– Khi bé đã đi vững, yêu cầu bé cầm những thứ đồ nhẹ đưa cho bạn.
– Đá quả bóng lên phía trước và về phía sau cùng với bé. Khi bé đã quen, cổ vũ bé chạy và đá quả bóng.
– Đưa bé ra công viên cho bé chạy và leo trèo lên các trò chơi. Hãy trông chừng bé cẩn thận.
Trao đổi với bác sỹ nếu bé của bạn có những biểu hiện sau
– Không biết làm gì với những vật dụng quen thuộc như bàn chải, điện thoại, dĩa, thìa.
– Không bắt chước hành động hoặc từ ngữ.
– Không thực hiện được những chỉ dẫn đơn giản.
– Không nói được cụm từ (ví dụ, ” uống sữa”).
– Đi không vững.
– Đánh mất những kỹ năng đã từng biết.
Theo Xã luận