Ho kéo dài là hiện tượng trẻ bị ho liên tục trên 4 tuần, có thể trở nên nghiêm trọng. Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng này, vì thế để có thể điều trị phù hợp và tốt nhất cho trẻ thì cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân của bệnh.
Tại sao trẻ bị ho kéo dài?
Nguyên nhân của ho kéo dài có thể do phổi hoặc những bệnh ngoài phổi như viêm xoang mũi, viêm tai, trào ngược thực quản, tim mạch, hoặc do tác dụng phụ của thuốc…
Có thể dựa vào những yếu tố sau để xác định tại sao trẻ bị ho kéo dài:
– Dựa vào một vài biểu hiện khi ho: ho có đờm có thể do dị ứng, hen; ho từng cơn và đỏ mặt có thể do dị vật đường thở, ho gà; ho nhiều về đêm do viêm Mũi xoang, hen; ho sau khi vận động là biểu hiện của bệnh hen; hoặc nếu không bao giờ ho trong khi ngủ thì có thể trẻ chỉ ho do tâm lý…
– Phân loại theo tuổi:
+ Trẻ nhũ nhi: ho kéo dài do nhiễm trùng (virus hô hấp, ho gà, nhiễm Chlamydia, lao…), ô nhiễm môi trường, Hen phế quản, dị tật đường hô hấp, tim bẩm sinh, trào ngược dạ dày.
+ Trẻ nhỏ: ho do ô nhiễm môi trường, Hen phế quản, dị vật, trào ngược dạ dày, hoặc do tăng mẫn cảm phế quản sau nhiễm.
+ Trẻ lớn: ô nhiễm môi trường, lao, Hen phế quản – chảy Mũi sau, dãn phế quản, hay ho do tâm lý.
Làm gì khi trẻ ho kéo dài?
Khi trẻ bị ho kéo dài, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện để khám chữa kịp thời. Tại phòng khám, các bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử dị ứng, Hen phế quản trong gia đình; về môi trường mà trẻ sinh sống hoặc tiếp xúc… Ngoài ra, tùy vào tình trạng của bệnh, trẻ có thể được làm các xét nghiệm như: chụp X-Quang phổi, thử nghiệm lao, chụp xoang, kiểm tra chức năng hô hấp, xét nghiệm huyết thanh để tìm vi trùng, nội soi phế quản nếu có nghi ngờ dị vật…
Dựa vào nguyên nhân của bệnh để dưa ra các hướng điều trị phù hợp
– Hội chứng chảy Mũi sau: do viêm Mũi dị ứng, viêm xoang mãn tính. Ngoài ho, trẻ còn bị ngứa và ngạt mũi. Nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa Tai – Mũi – Họng, bác sĩ sẽ cho trẻ dùng thuốc chống dị ứng, chống viêm…
– Hen phế quản: trẻ bị ho và khò khè, có thể lên cơn Hen và cảm thấy nặng ngực. Triệu chứng Hen ở trẻ nhũ nhi khó nhận biết hơn và dễ bị chẩn đoán sai. Hãy đưa trẻ đến khám tại chuyên khoa hô hấp nhi để được điều trị cắt cơn và phòng hen. Trong trường hợp này, dùng thuốc giảm ho sẽ không điều trị triệt để được ho kéo dài.
– Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhũ nhi, và thường tự khỏi sau 12 tháng tuổi. Trẻ hít phải dịch từ dạ dày trào lên thực quản vào phổi, gây viêm thanh – phế quản và dẫn đến ho kéo dài.
Đặc biệt ở trẻ nhũ nhi, bệnh trào ngược này có thể gây ngưng thở, nhịp tim chậm, viêm phổi… Để chẩn đoán chính xác cần phải đo nồng độ pH trong thực quản, hoặc siêu âm bụng.
Ho kéo dài do trào ngược dạ dày thực quản có thể điều trị nội khoa, tỷ lệ thành công chiếm 80%. Nên cho trẻ nằm cao đầu, ăn sữa, thức ăn đặc, có thể dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp bệnh nặng không thể điều trị nội khoa thì trẻ mới cần phải phẫu thuật.
– Sau nhiễm trùng-virus đường hô hấp: đường hô hấp bị viêm nhiễm dai dẳng và tăng mẫn cảm phế quản sau nhiễm trùng cũng khiến trẻ bị ho kéo dài. Tuy nhiên bệnh không trở nên nghiêm trọng và có thể tự khỏi được.
– Ho do tâm lý – thói quen chủ yếu ở trẻ lớn, thường không xảy ra khi trẻ ngủ hoặc tập trung vào việc gì đó. Trẻ có biểu hiện ho khan, ho nhiều và thường tăng lên khi đang căng thẳng. Trong trường hợp này nên khám và điều trị tâm lý cho trẻ.
(Theo Thuocbietduoc.com.vn)