Con gái tôi hiện 6,5 tháng tuổi, nặng 8kg; đi tiêu “hoa cà hoa cải” suốt sau khi uống sữa công thức. Vậy xin hỏi chuyên gia, có phải bé bị rối loạn tiêu hóa kéo dài hay dị ứng sữa bò không? (Liên)

Tôi cho bé làm quen với sữa công thức từ 2 tháng tuổi. Khoảng 3,5 tháng thì bú sữa công thức hoàn toàn. Từ đó cho đến lúc 4,5 tháng, bé thường ho, sổ mũi; đại tiện phân màu xanh rêu, mùi thối, ngày một lần. Từ 4,5 tháng đến nay, bé đi ngoài trung bình mỗi ngày 10 lần. Phân “hoa cà hoa cải”, có lần nhầy nhiều, có lần sủi bọt. Trong đàm nhầy có lẫn sợi máu li ti, mùi phân tanh.

Khám ở viện nhi, bác sĩ kết luận bé bị viêm tiểu phế quản và rối loạn tiêu hóa kéo dài. Tuy thay đổi nhiều loại thuốc, bé vẫn đi tiêu ngày 3 lần. Phân sệt xanh rêu lẫn “hoa cà hoa cải”. Thi thoảng bé vẫn ho và khò khè không dứt. Cách đây 10 ngày, bé sốt nổi ban. Bác sĩ nói bé không dung nạp đường, kê đơn và đổi sang sữa không dung nạp lactose; song bé vẫn đi ngoài 10 lần mỗi ngày, phân mùi tanh.

Tôi kiên trì đưa đi tái khám, bác sĩ khác kết luận bé dị ứng sữa bò, đổi sang sữa thủy phân một phần thì phân bắt đầu có mùi thối bình thường, nhưng số lần đại tiện vẫn không thấy giảm. Trong suốt quá trình thăm khám, các bác sĩ đều không yêu cầu xét nghiệm hay siêu âm.

Rối loạn tiêu hóa kéo dài ở trẻ_Truekidz men tiêu hóa trị rồi loạn tiêu hóa

Trả lời:

Chào bạn,

Theo mô tả của bạn thì bé bị bệnh khoảng 2 tháng nay. Điều đáng lưu ý là mặc dù bé bị rối loạn tiêu hóa kéo dài nhưng cân nặng khá tốt (6,5 tháng nặng 8kg). Chắc chắn bé mắc bệnh lý thuộc đường tiêu hóa, song có nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa kéo dài.

– Khả năng thứ nhất

Bé có khả năng mắc bệnh rối loạn tiêu hóa do không dung nạp đường lactose. Trong trường hợp này, bạn phải cho bé xét nghiệm cặn dư phân, đổi sang chế độ ăn sữa free lactose. Vì bé mắc bệnh đã lâu nên tiến triển chữa trị thường chậm, khoảng 2-4 tuần mới có thể hồi phục. Bé cũng cần bổ sung thêm kẽm để hồi phục đường ruột.

– Khả năng thứ hai

Bé có thể rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn đường ruột. Một số vi khuẩn gây tiêu chảy kéo dài như lỵ, amip, clostridium, vi khuẩn kỵ khí… Trong trường hợp này cần soi phân, cấy phân xác định nguyên nhân và điều trị bằng kháng sinh đường ruột. Một số trường hợp cần soi đại tràng để phát hiện các tổn thương bất thường tại đường ruột.

– Khả năng thứ ba

Trẻ bị dị ứng sữa. Tuy nhiên, theo như bạn nói thì 2 tháng đầu trẻ ăn sữa không có bất thường gì, không rõ bạn có đổi sang loại sữa khác gây tiêu chảy không. Để chẩn đoán chắc chắn dị ứng sữa, cần làm các xét nghiệm chuyên khoa như IgE đặc hiệu và làm kiểm tra kích thích ăn thử. Điều trị dị ứng thức ăn cần dùng loại sữa công thức thủy phân hoàn toàn, khi sữa công thức thủy phân một phần không có hiệu quả.

Tóm lại, bạn nên cho bé đến khám tại chuyên khoa tiêu hóa và chuyên khoa dị ứng để làm xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh, không để tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài.

Trường hợp bé khò khè kéo dài có thể là tình trạng sau nhiễm virus, hoặc do trẻ có cơ địa dị ứng. Lúc này, bạn cần xin ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa hô hấp.

Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy

Phó trưởng khoa Miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Nhi Trung ương

Chia sẻ với:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *