Bệnh hô hấp ở trẻ em khi giao mùa sẽ được Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ tư vấn cách phòng và điều trị.

Bệnh hô hấp ở trẻ em lúc giao mùa cách phòng và điều trị của chuyên gia (p1)

 

Triệu chứng khi trẻ bị viêm phổi là gì? Và có trường hợp nào bé không thể tiêm ngừa Vắcxin ngừa phế cầu hay không?

(Trần Tiến)

Chào bạn,

Viêm phổi là tình trạng viêm của nhu mô phổi – nơi trao đổi khí với máu tạo oxy cho cơ thể và thải CO2 ra ngoài. Viêm phổi có rất nhiều nguyên nhân, trong đó phế cầu là nguyên nhân thường gặp, cho nên chích phế cầu không thể ngừa được tất cả viêm phổi, nhưng cũng cần phải chích vì đây là nguyên nhân khá nguy hiểm. Ngoài ra, để phòng ngừa viêm phổi, cần rửa tay, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, dinh dưỡng đủ, tránh môi trường gây hại cho đường hô hấp như lạnh, nóng, khói bụi, đặc biệt là khói thuốc lá.

 Với thời tiết giao mùa thất thường như hiện nay thì làm sao để trẻ nhỏ không bị ho và cảm? Cám ơn bác sĩ!
(Phạm Quốc Bảo)

Chào bạn,

Ho và cảm là chuyện rất thường gặp, đặc biệt ở trẻ em vì khi ho. Cảm chính là lúc cơ thể tiếp xúc với tác nhân gây bệnh và tạo ra kháng thể. Kháng thể này giúp phòng bệnh cho lần sau nhưng nếu ho và cảm ảnh hưởng tới sức khỏe thì cần phòng tránh.

Tới thời tiết giao mùa, cần tránh tiếp xúc đột ngột với môi trường thay đổi. Uống đủ nước, ngủ đủ giấc, rửa tay, tiêm ngừa các loại tác nhân gây bệnh có vắc-xin.

 

Bệnh viêm phổi do phế cầu thường xảy ra vào khoảng thời gian nào là nhiều nhất. Và tình hình về bệnh hiện nay là như thế nào?

(Quốc Trung)

Chào bạn,

Bệnh viêm phổi do phế cầu xảy ra quanh năm, nhưng nhiều hơn vào lúc chuyển từ nóng sang lạnh và lúc thời tiết rất nóng.

Hiện ở trẻ em và người lớn tuổi thì tác nhân chính gây viêm phổi là vi khuẩn phế cầu, mà như chúng ta biết thì viêm phổi là bệnh chính tại nhiều bệnh viện nhi của các thành phố lớn.

 

Mức độ nguy hiểm của việc bị nhiễm phế cầu khuẩn là gì?

(Hoàng Giang)

Chào Giang,

Phế cầu khuẩn thông thường có ở vùng tai  mũi – họng của người lành. Vi khuẩn này chỉ nguy hiểm khi tấn công vào các cơ quan, trong đó gồm có viêm tai để lại hậu quả giảm thính lực. Viêm màng não rất khó điều trị và có thể để lại di chứng. Viêm phổi gây suy hô hấp, một số trường hợp có thể gây tử vong. Một điều quan trọng cần quan tâm là phế cầu hiện nay kháng với nhiều loại kháng sinh, do đó để điều trị khỏi bệnh do phế cầu thì cần phải dùng nhiều loại kháng sinh đắt tiền và thời gian điều trị kéo dài.

 

Tôi đọc báo thấy vi khuẩn phế cầu rất nguy hiểm; làm cho các bé bị các bệnh viêm màng não, nhiễm trùng huyết; đặc biệt là viêm phổi và hô hấp; làm trẻ phải chịu nhiều di chứng, thậm chí là tử vong. Vậy thì phải làm thế nào để tránh được loại bệnh này gây ra? Nếu mắc phải thì phải điều trị ở đâu, trong thời gian bao lâu?

(Thanh Huy)

Chào bạn,

Vi khuẩn phế cầu có trong vùng tai – mũi – họng của người lớn và có thể những người này không có biểu hiện bệnh, nhưng lại phát tán vi khuẩn vào không khí và lây cho các trẻ. Điều này rất khó tránh khi trẻ sinh hoạt và tiếp xúc với người lớn.

Để phòng tránh, bảo đảm rửa tay, mang khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, có điều kiện nên chích ngừa.

Nếu không may mắc bệnh, những trường hợp nhẹ như viêm tai, viêm mũi họng thì có thể điều trị ngoại trú; nhưng nếu bị nặng như nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm phổi cần được điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố vì cần được chăm sóc và theo dõi sát để tránh tử vong và di chứng.

 

Thưa bác sĩ, thời tiết chuyển mùa, bé nhà tôi ho và sổ mũi liên tục. Tôi có nên cho bé uống kháng sinh không ạ?

(Tuyết)

Chào Tuyết,

Trẻ nhỏ rất dễ ho, sổ mũi nhưng đa số các trường hợp là do virus nên không phải tất cả các trường hợp ho, sổ mũi đều dùng kháng sinh. Nếu bé mới bị ho, sổ mũi không có thở nhanh, nước mũi vẫn trong thì nên sử dụng các biện pháp thông thường như thuốc ho thảo dược, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý chứ không nên tự sử dụng kháng sinh.

 

Xin chào bác sĩ, bé nhà em được 21 tháng tuổi, bé rất hay bị sổ mũi, ho. Mỗi lần bị bệnh là kéo dài hơn tháng mới hết bệnh. Cứ gần khỏi thì đi học lại bị tái bệnh. Xin bác sĩ tư vấn giúp em cách phòng và điều trị bệnh hô hấp với ạ. Cảm ơn bác sĩ nhiều.

(Trần Thị Kim Cúc, 34 tuổi, P.12 tp Vũng Tàu)

Chào bạn,

Trẻ nhỏ thường mắc bệnh từ sau 6 tháng tuổi đến hết 3 tuổi thì tần suất bệnh sẽ giảm dần. Những trẻ mới đi nhà trẻ do chưa quen môi trường nên tần suất bệnh có thể nhiều hơn, đặc biệt là bệnh đường hô hấp. Để phòng ngừa bệnh hô hấp nên:

– Rửa tay.

– Tránh môi trường khói bụi.

– Bảo đảm uống đủ nước, ngủ đủ giấc.

– Chích ngừa các loại vắc-xin như sởi, ho gà, viêm màng não HIB, phế cầu, cúm.

Đặc biệt những trẻ có đi nhà trẻ, khi về đến nhà cần rửa mũi và thay quần áo ngay.

 (Theo vnexpress.net)
Chia sẻ với:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *